Thị trường tiêu thụ gốm Tam Thọ Khu_di_tích_lò_gốm_Tam_Thọ

Các khu mộ lớn được O. Janse khai quật tại Thanh Hóa trong những năm 1930 đã phát hiện thấy đồ gốm tuỳ táng chủ yếu của khu lò Tam Thọ. Các loại gạch, ngói ở Tam Thọ cũng phục vụ cho việc xây dựng các mộ, nhà cửa, thành quách, dinh thự của người Hán. Đặc biệt, gần như tất cả các di tích Đông Sơn muộn ở Thanh Hóa đều xuất hiện gốm Tam Thọ với một tỷ lệ rất cao. Chẳng hạn, tại di chỉ Bái Cường (xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) là một làng cổ của cư dân Đông Sơn có niên đại thế kỷ 2 đến thế kỉ 3, trong 4 m² thám sát vào năm 1999, đã thu được 8,540 kg gốm thô Đông Sơn và 9,376 kg đồ gốm Tam Thọ.[1]

Trong khoảng 4 thế kỷ hoạt động, gốm Tam Thọ đã có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tiêu thụ gốm ở miền đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Nghệ. Hầu hết các di chỉ và mộ táng ở miền Bắc Việt Nam thời Đông Hán và đầu thời Lục triều đều tìm thấy sản phẩm của lò gốm Tam Thọ. Gốm Tam Thọ đã mở đầu cho một dòng gốm mới bên cạnh dòng gốm Đông Sơn truyền thống.[4]

Gốm Tam Thọ còn có mặt ở phía Nam quận Cửu Chân. Tại các di tích như Trà Kiệu thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, di tích Suối Chình thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi... cũng tìm thấy gốm Tam Thọ. Có khả năng đồ gốm Tam Thọ còn cung cấp cho các nước khu vực Đông Nam Á.[1]